Nội dung Ký_ức_Điện_Biên

Bộ phim diễn ra theo lời kể của Bạo, một lính vệ quốc đoàn trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều năm sau chiến tranh, ông găp lại Bernard, người hàng binh trước kia. Vào thời gian chiến tranh, Bernard, một lính Pháp quyết định đầu hàng đối phương. Bernard gặp Bạo và được Bạo đưa về vùng hậu cứ. Trong hành trình, Bernard bị thương và được y tá Mây chăm sóc, rồi Bernard và Bạo cùng có cảm tình với cô y tá Mây xinh đẹp và cũng thấy se lòng khi chạy đi lấy nước từ suối về chứng kiến cảnh Mây cho Bernard uống những giọt sương từ một cánh hoa. Chứng kiến khí thế hào hùng của quân và dân Việt Nam, Bernard thay đổi thái độ, quay sang ủng hộ Việt Minh, nhưng anh vẫn ấp ủ những kỷ niệm về đồng đội cũ của mình,có lúc khóc nhìn chiếc bi-đông ghi tên người đồng đội tên là Jaques đã chết. Quan hệ giữa Bernard và Mây càng gần gũi khi Bernard tham gia làm anh nuôi, khiến Bạo bối rối và bất lực trước sự hấp dẫn của Bernard toát ra một cách tự nhiên trong từng cử chỉ chân thật, ân cần và lịch lãm. Bạo cố gắng kìm nén ghen tuông và đau khổ. Nhưng CUỘC CHIẾN ĐẤU GIỮ ĐẤT của Việt Minh đã chuyển sang CUỘC CHIẾN ĐẤU GIỮ NGƯỜI ngay khi trận Điện Biên bước vào giai đoạn cuối. Trong một đêm mưa, khi thấy vắng Bernard, nghĩ rằng Bernard bỏ trốn, Bạo đã vác súng đi tìm để giết anh. Mây đuổi theo can ngăn không được. Nhưng khi chứng kiến cảnh Bernard ngồi khóc giữa bãi xác đồng đội, Bạo như tỉnh ngộ. Chính trong khoảnh khắc bừng tỉnh tính nhân văn ấy, anh đã có Mây. Cảnh Mây ôm choàng lấy Bạo khi mũi súng hạ xuống hiện lên như bức tượng của nhân tính và tình yêu trên nền trời đêm rực rỡ những vệt pháo sáng bay lên. Nhưng sau này, khi Bạo và Bernard thực sự thành bè bạn, Bạo vẫn phải tiếp tục đối mặt với CUỘC CHIẾN ĐẤU GIỮ GÌN Ý NGHĨA cho trận chiến Điện Biên.

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn cho biết anh cố gắng tái hiện ký ức về chiến thắng Điện Biên Phủ từ góc nhìn nhân văn để xây dựng hình tượng điện ảnh về chiến thắng này theo cách nặn tượng bằng tuyết, vừa khôi phục những ký ức hào hùng cảm động, vừa thể hiện sự biến dạng và tan rã của những ký ức này. Bộ phim nỗ lực tiếp cận ba loại ký ức về chiến thắng Điện Biên Phủ:

  1. Ký ức chiến tranh của lớp cựu binh già thuộc cả hai chiến tuyến với những kỷ niệm buồn vui hào hùng đầy tính nhân văn trong chiến trận dưới hình thức tả chân cổ điển, tái hiện khá đầy đủ hình hài, quy mô, diễn biến và không khí chiến tranh sinh hoạt như trong đời thực.
  2. Ký ức thực dụng của lớp người sau kết hợp sự tưởng nhớ và kiêu hãnh với ý thức kinh doanh du lịch, điển hình là việc con trai của Bạo (diễn viên Chí Trung đón vai) mở quán Điện Biên với các món ăn ở chiến trường xưa mời anh nuôi tên là Túc - đồng đội của cha - về làm đầu bếp.
  3. Ký ức ám ảnh vừa sai lệch vừa thăng hoa của lớp trẻ hiện nay được thể hiện qua những ấn tượng tâm thần về chim và hoa của cô bé Vân cháu nội Bạo - những hình ảnh gắn liền với những kỷ niệm tình yêu của Bạo trong chiến dịch - và thể hiện qua màn múa đương đại mang tên Ký ức Điện Biên do Vân thực hiện tại Paris trong đó hình ảnh Điện Biên xưa chỉ còn là những động tác co giật và những giai điệu chấm phá pha trộn giữa đau thương và hùng tráng.

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn phát biểu rằng đây là bộ phim kỷ niệm đầu tiên nhìn sự kiện lịch sử từ góc nhìn văn hóa đa chiều, với cách tiếp cận đa phương tiện, đưa cả những màn múa đương đại hoành tráng với mấy trăm bộ đội múa trên đồi do nghệ sĩ Ea Sola Thủy dàn dựng trong thời gian gần một tháng. Trước đây, Đỗ Minh Tuấn cũng đưa trình diễn và sắp đặt vào phim Vua bãi rác biến cả bãi rác thành một sắp đặt nghệ thuật lung linh như Paris đêm Giáng sinh.